Ông bà ta vẫn thường nói, sức khỏe là thứ quan trọng nhất của mỗi người. Có được một sức khỏe tốt chính là chìa khóa để ta làm tốt mọi việc ta muốn.
Tuy nhiên, sức khỏe của con người sẽ dần bị yếu đi theo thời gian. Tuổi tác càng lớn, càng phải đối mặt với những căn bệnh tiềm ẩn khác nhau. Các triệu chứng về xương khớp là điều mà đa số người lớn tuổi mắc phải. Nghiêm trọng hơn là các căn bệnh xuất phát từ các bộ phận trong cơ thể.
Vì vậy, hơn ai hết, các bác, các cô, ông, bà chúng ta,…là những người cần được chăm sóc hơn cả. Cùng với sự chăm sóc của con trẻ, họ cũng cần phải chú ý một số vấn đề để có thể có sức khỏe tốt hơn.
1. Đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với mỗi người. Càng lớn tuổi, càng cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học. Có như vậy, cơ thể mới có thể tiếp thu được những chất dinh dưỡng cần thiết. Qúa trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn và các bộ phận của cơ thể cũng được chăm sóc.
Càng lớn tuổi cơ thể hấp thu kém. Vì thế nên ăn thật đa dạng các loại thực phẩm. Thường xuyên luân phiên thay đổi chúng giữa các ngày. Như vậy có thể tăng thêm chất dinh dưỡng, đảm bảo một sức khỏe tốt.
Nên ăn các loại rau quả tươi
Để bổ sung các vitamin, muối khoáng cần thiết mà người già thường không thể tự tổng hợp được.
Nên ăn nhiều cá: Ít nhất 2 lần trong tuần
Ăn nhiều cá giúp cơ thể chống lại các nguy cơ gây bệnh về tim mạch và ung thư. Cá giàu chất đạm, ít acid béo không tốt, nhiều acid béo tốt, rất có lợi cho những người nghiện thuốc lá và người bị bệnh đái tháo đường.
Nên ăn nhiều chất xơ
Chất xơ tuy không cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng lại có vai trò không thể thiếu trong việc chống táo bón, giảm cholesterol máu làm tránh xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì… Nên ăn khoảng 300g rau và ăn ít nhất l00g quả chín mỗi ngày.
Giảm chất đường, chất bột
Người cao tuổi nên ăn các thức ăn chứa tinh bột chưa qua chế biến nhiều lần như; gạo lức, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ chứa ít năng lượng (khoai lang), chúng không đắt tiền, luôn sẵn có và là nguồn vitamin, khoáng chất và protein quý. Ngược lại, người cao tuổi nên hạn chế và gần như không nên ăn các loại đường hấp thu nhanh vào máu như đường mía, mật, bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực.
Hạn chế dùng nhiều chất béo động vật
Nên thay bằng chất béo không no hoặc dầu thực vật, có nhiều trong đậu nành, dầu hạt cải, cá béo, tảo, rong biển. Chúng có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch và ung thư.
Tránh ăn nhiều thịt
Vì chúng khó tiêu hóa, dễ làm cho cơ thể người nhiều tuổi dễ mệt mỏi, bắt gan, thận làm việc nhiều hơn. Ăn nhiều thịt trong ngày là một sự căng thẳng, một gánh nặng quá tải, nhất là đối với người bị bệnh thống phong, bệnh thận và bệnh tim mạch.
Càng ăn ít muối càng tốt
Người cao tuổi bị bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch tránh dùng nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều muối như cá khô, các loại mắm. Nếu ăn dư thừa muối sẽ có hại cho tim, thận cũng như làm tăng huyết áp. Lượng muối dùng hàng ngày khoảng một muỗng nhỏ là vừa đủ.
2. Đảm bảo giấc ngủ ngon
Để người cao tuổi có những giấc ngủ ngon, nên tạo ra một không gian tình cảm ổn định, thoải mái, vui vẻ, thỏa mãn về tinh thần. Tránh mọi sự kích thích như: Lo lắng, buồn phiền, căng thẳng. Tránh hút thuốc lá, uống cà phê, trà đặc sau 16 giờ. Sắp xếp cho người cao tuổi đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ thời gian. Phòng ngủ yên tĩnh, thoáng, đủ ấm và ánh sáng phù hợp, tránh gió lùa về mùa đông. Có thể sử dụng một số thức ăn, đồ uống giúp người cao tuổi dễ đi vào giấc ngủ như: Canh hoa thiên lý, nước ép cà chua trộn mật ong, trà tâm sen, hạt thảo quyết minh… Ở người cao tuổi, thời gian ngủ mỗi ngày khoảng 5-6 giờ. Đặc biệt chú ý không nên lạm dụng thuốc ngủ.
3. Tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe
Luyện tập thể thao nhẹ nhàng giúp người cao tuổi lưu thông và điều hòa các mạch máu trong cơ thể, hạn chế sự lắng đọng các chất cholesterol ở thành mạch máu, là nguyên nhân chính gây xơ vữa mạch máu và những bệnh về tim mạch.
Sự vận động còn giúp cho cơ thể sử dụng hết những năng lượng dư thừa, đổi mới, trẻ hóa tổ chức và phòng chống bệnh loãng xương, làm cho đầu óc thư thái, tỉnh táo, làm chậm quá trình tiến triển tới bệnh giảm trí nhớ, teo cơ, thoái hóa khớp… Chế độ luyện tập vận động cần phù hợp theo khả năng, không nên gắng sức thái quá. Các động tác thể dục và vận động ở người cao tuổi có thể là: Đi bộ, tập thái cực quyền, các động tác thể dục thể thao nhẹ nhàng. Tốt nhất là các bài tập khí công, tập thư giãn và tập thở bụng.
4. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ
Người cao tuổi dễ mắc một số bệnh như thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, loãng xương, đục thủy tinh thể… là nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, gãy xương, mù lòa… vì vậy cần phải có những kỳ kiểm tra sức khỏe toàn diện nhằm phát hiện và điều trị sớm khi bệnh còn nhẹ để hạn chế các biến chứng, tai biến có thể xảy ra. Mỗi năm nên đi khám sức khoẻ định kỳ 2 lần.
5. Uống thuốc đều đặn nếu dang diều trị bệnh
Người cao tuổi nếu đang điều trị bệnh, phải nhớ uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của thầy thuốc, thời gian uống thuốc trong ngày phải đúng vì uống sai quy cách sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Không được tự ngưng uống thuốc vì có thể làm cho bệnh tái phát, gây nên những bất lợi trong quá trình điều trị.
Nguồn: tuoitre.vn
Cùng xem thêm một số phương pháp bảo vệ sức khỏe hữu ích cho bạn và gia đình nữa nhé!