Khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe của chúng ta càng suy giảm. Chứng suy giảm trí não ở người cao tuổi là một điển hình. Đây là một trong những tác hại của quá trình lão hóa của cơ thể do tuổi tác cao. Tuy nhiên không hẳn là không có cách cải thiện việc suy giảm trí não. Một trong những cách dễ thực hiện nhất là cải thiện chế độ ăn uống cho những người cao tuổi. Việc có một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất, đúng đắn và phù hợp sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể. Từ đó giúp cải thiện rất nhiều trong việc suy giảm trí nhớ của người cao tuổi.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như đầy đủ chất rất quan trọng với tất cả chúng ta. Đặc biệt là đối với những người cao tuổi, khi mà những cơ quan và chức năng của cơ thể đang dần bị lão hóa. Nếu được cung cấp đầy đủ chất, ăn uống một cách lành mạnh thì việc lão hóa sẽ được diễn ra chậm hơn. Giúp những người cao tuổi có thể ăn ngon miệng hơn, có một sức khỏe tốt, hạn chế được một số bệnh do tuổi tác mang tới, trong đó có chứng suy giảm trí não.
Việc ăn uống ngon miệng đối với người cao tuổi vô cùng quan trọng
Các giác quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn ngon miệng. Khứu giác giúp ngửi được mùi thơm của thức ăn. Thị giác giúp nhìn thấy những màu sắc đa dạng và hấp dẫn của thức ăn. Xúc giác giúp nhận biết thức ăn ấm nóng hoặc mát lạnh. Vị giác giúp nhận biết vị của thức ăn chua, cay, mặn, ngọt,… Chính các giác quan đã kích thích nước bọt tiết ra để sẵn sàng tiêu hóa thức ăn.
Các giác quan của người cao tuổi bị lão hóa cho tuổi tác. Những người mạnh khỏe vẫn ăn uống ngon miệng bình thường. Trái lại những người yếu thường có cảm giác chán ăn hoặc ít đói hơn. Mặt khác, người cao tuổi nhai nuốt khó khăn hơn những độ tuổi khác. Do cơ nhai và xương hàm của họ đều teo, răng thì lung lay hoặc rụng mất. Kết quả là người cao tuổi rất dễ bị suy dinh dưỡng. Khi tuổi cao, các tuyến nước bọt cũng xơ teo nên tiết được ít nước bọt.
Chế độ dinh dưỡng khoa học cho người cao tuổi
Ở người cao tuổi cần những nhu cầu dinh dưỡng rất khác so với các độ tuổi khác. Nhất là khi người cao tuổi rất dễ mắc nhiều bệnh hơn do tuổi tác. Các hệ cơ quan và các chức năng khác trong cơ thể cũng dần bị lão hóa và hoạt động một cách “chậm chạp” hơn. Do đó các nhu cầu về những loại chất dinh dưỡng trong thực đơn của người cao tuổi cần được chú ý cẩn thận hơn.
Nhu cầu về năng lượng
Người cao tuổi có khối cơ bắp giảm khoảng 1/3 so với thời trẻ. So với độ tuổi 25, nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi sẽ giảm 20%. Còn với người trên 70 tuổi sẽ giảm khoảng 30%. Do đó nhu cầu năng lượng cũng giảm còn khoảng 1.700 – 1.800kcal/ngày. Chính vì vậy, người cao tuổi chỉ nên ăn nửa dạ dày là tốt nhất. Tránh ăn quá no sẽ không tốt cho sức khỏe của hệ tiêu hóa của người cao tuổi.
Nhu cầu chất đạm (protein)
Nhu cầu protein ở người cao tuổi khoảng 60 – 70g/ngày. Trong đó đạm động vật chiếm 30% lượng protein được nạp vào cơ thể. Người cao tuổi nên giảm ăn các loại thịt đỏ. Nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu canxi và protein có nguồn gốc từ thực vật.
Người cao tuổi có khả năng tiêu hóa, hấp thu và tổng hợp chất đạm đều kém. Do đó họ dễ bị thiếu đạm. Sự phân hủy đạm từ thịt tại dạ dày tạo ra các chất thải thối rữa. Đây là những độc tố nếu táo bón lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Do đó người cao tuổi nên hạn chế ăn các loại thịt, nhất là thịt mỡ. Lúc này thì cá là món ăn rất tốt để thay thế thịt. Bởi vì cá chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa, có nhiều acid béo cần thiết cho cơ thể. Người cao tuổi nên có 3 ngày ăn cá trong một tuần. Đồng thời cũng nên ăn tăng nguồn đạm thực vật như đậu phụ, sữa đậu nành, đậu đũa, các loại đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan, đậu cove,…
Nhu cầu nước và vi chất
Người cao tuổi dễ bị thiếu nước do không cảm thấy thấy khát. Do người già thường có tâm lý ngại đi tiểu nhiều lần. Nước là một nhu cầu không thể thiếu với bất kì lứa tuổi nào. Vì vậy cần phải uống nước thường xuyên dù không khát nhất là vào mùa nắng. Cung cấp đủ lượng nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Cần bảo đảm đủ 1 – 1,5 lít nước/ngày dưới các dạng nước uống, canh, hoa quả,…
Cùng với tình trạng suy dinh dưỡng thì người cao tuổi cũng dễ bị thiếu vitamin các loại. Vì vậy trong thực đơn hàng ngày cần có trái cây, các loại rau củ quả để bổ sung vitamin. Ngoài ra, các loại nước như trà xanh, chè sen, chè ngó sen,… cũng rất tốt cho người lớn tuổi.
Nhu cầu chất béo (lipid)
Cơ thể nên được cung cấp đủ mỡ động vật và dầu thực vật. Tỷ lệ chất béo có nguồn gốc thực vật được nạp vào cơ thể nên mở mức 35% trên tổng số chất béo. Nói chung, dầu thực vật sẽ tốt cho cơ thể hơn. Do chúng chứa rất ít cholesteral và axit béo bão hòa đơn.
Do men giúp giáng hóa mô mỡ ở người cao tuổi giảm hoạt động nên dễ gây thừa mỡ trong máu. Hậu quả là tạo các mảng xơ làm cứng thành mạch gây tăng huyết áp. Do đó, người cao tuổi cần hạn chế ăn chất béo, nhất là mỡ động vật. Và một sự thay thế vô cùng hợp lý đó là dùng chất béo thực vật từ các loại hạt, quả,… Ngoài ra, người cao tuổi cũng không nên ăn nhiều phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng vì có nhiều cholesterol. Chỉ nên ăn 3 quả trứng một tuần.
Nhưng cũng không nên bổ sung quá ít chất béo. Vì cholesterol là chất tham gia cấu tạo màng tế bào. Khi thiếu cholesterol cũng sẽ làm màng tế bào yếu dễ gây xuất huyết não, nhất là khi bị tăng huyết áp. Điều này cũng gây suy giảm trí não ở người cao tuổi rất nhiều. Cho nên điều tốt nhất là biết cân bằng hàm lượng của các chất dinh dưỡng được cho vào cơ thể.
Nhu cầu chất bột đường (glucid)
Người cao tuổi bị giảm khả năng hấp thụ chất bột đường. Nên nếu ăn chất này nhiều thì sẽ dễ bị tăng đường huyết. Người cao tuổi chỉ nên ăn các loại ngũ cốc thô, các loại khoai củ,… Vừa dễ tiêu vừa giàu chất xơ chống táo bón. Gạo là lương thực chính, nên chọn gạo dẻo, không xay xát quá trắng. Có thể ăn loại gạo lức là tốt nhất vì giàu vitamin B1 và nhiều chất xơ.
Các chất chống oxy hóa, chống gốc tự do có nhiều trong rau quả, nước trà xanh, các loại rau thơm. Người cao tuổi dễ bị loãng xương nên việc bổ sung canxi là hết sức cần thiết. Thực phẩm giàu canxi là sữa. Nhưng nên chọn loại sữa ít béo, không đường, uống khoảng 1-2 ly mỗi ngày.
Trong những nhu cầu trên thì nhu cầu nào cũng rất quan trọng đối với cơ thể mỗi người. Chúng cần được phân chia và bổ sung vào cơ thể một cách hợp lý và khoa học để đạt được hết công dụng khi vào cơ thể. Nhất là đối với người cao tuổi khi các chức năng trong cơ thể không còn hoạt động tốt nữa.
Xem thêm:
Nguồn: Suckhoegiadinh.com.vn